Ngày nay, để đánh giá một doanh nghiệp ngoài nguồn nhân lực, công nghệ, vốn,… người ta còn quan tâm đến giá trị cốt lõi của nó. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp. Bất kì một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp đó khó có thể tồn tại được. Do đó, trong thời kì hội nhập, việc xây dựng văn hoá  doanh nghiệp rất cần thiết.

Xem thêm: Yếu tố tạo sức mạnh cho văn hóa doanh nghiệp

Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp

Cần tạo dựng được bản sắc riêng, hình thành văn hóa doanh nghiệp

Như đã đề cập tại bài viết trước, Văn hoá doanh nghiệp là tài sản vô hình nhưng tồn tại và đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Làm việc trong môi trường doanh nghiệp sẽ tác động đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên, giúp các thành viên được gắn kết với nhau, hợp tác với nhau trên tinh thần đoàn kết, nhất trí và làm việc trong sự tương trợ lẫn nhau, mọi người luôn sống, phấn đấu và chiến đấu hết mình vì mục tiêu chung của tập thể, từ đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp tạo ra được bản sắc riêng cho chính doanh nghiệp của bạn. Các giá trị cốt lõi, lễ nghi, thói quen hay cách họp hành, đào tạo, lẫn đồng phục, giao tiếp…sẽ tạo nên phong cách riêng biệt của doanh nghiệp, phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Rõ ràng việc có được điều này là vô cùng quan trọng, giữa hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp trên thị trường, đây chắc chắn là điểm nhấn giúp doanh nghiệp nổi bật, dễ nhận biết và có một địa vị tốt trong tâm trí khách hàng và đối tác.

Các mô hình văn hóa doanh nghiệp

Mô hình tháp Eiffel: Mô hình này hướng đến vai trò và chức năng khi phân chia lao động. Mỗi vai trò được phân bố phải đảm bảo sẽ được hoàn thành theo kế hoạch. Người giám sát có thể theo dõi quá trình thực hiện nhiệm vụ, người quản lý theo dõi công việc của nhiều giám sát viên, và cứ thể phân chia theo thứ tự.

Mô hình gia đình: Đặc trưng của mô hình là mối quan hệ giữa các thành viên trực tiếp gần gũi nhưng có thứ bậc trên dưới như trong gia đình. Điều này mang đến một môi trường làm việc giống như trong một gia đình. Sự hài lòng trong các mối quan hệ gia đình tạo ra động lực làm việc, năng suất lao động cao và khả năng giải quyết mâu thuẫn. Điển hình của mô hình gia đình là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Mô hình tên lửa: Có thể hiểu đây là mô hình đồng đội bởiởi là mọi thứ được thực hiện để giữ vững ý định chiến lược và đạt được mục tiêu. Mỗi thành viên trong một tổ đội nhận nhiệm vụ không được sắp xếp trước. Nhiệm vụ của họ là  hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp tính rõ ràng, khó khăn của vấn đề.

Mô hình lò ấp trứng: Mô hình này được đánh giá mang tính sáng tạo dựa trên quan điểm rằng cơ cấu tổ chức không quan trọng bằng sự hoàn thiện cá nhân. Mục tiêu trên hết là giải phóng con người khỏi những lề lối quen thuộc, trở nên năng động, sáng tạo hơn và giảm thiếu thời gian tự duy trì cuộc sống.

Bốn mô hình trên minh họa mối liên hệ giữa người lao động với quan điểm của họ về doanh nghiệp. Mỗi mô hình văn hóa doanh nghiệp đều là “mô hình lý tưởng”. Thực tế, không có nhà quản trị nào lựa chọn riêng rẽ một loại mô hình để áp dụng mà thường kết hợp hoặc bao hàm các loại loại, tạo ra cách thức quản lý doanh nghiệp khác nhau.

Các nguyên tắc cần thiết khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Trước hết, Lãnh đạo là yếu tố then chốt xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp

 

Nhà quản trị là tấm gương sáng xây dựng và tuân thủ các quy định của doanh nghiệp

Lãnh đạo là người tạo dựng văn hóa doanh nghiệp, cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, do vậy họ phải là tấm gương xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo phải là người đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra, để làm động lực gắn kết các thành viên trong công ty.

Văn hóa doanh nghiệp phải do tập thể doanh nghiệp tạo dựng nên: Người lãnh đạo là người tạo dựng văn hóa doanh nghiệp, nhưng quá trình này chỉ có thể thành công với sự đóng góp tích cực của mọi thành viên trong doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp phải hướng về con người: Để có sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đề ra một mô hình văn hóa chú trọng đến sự phát triển toàn diện của người lao động. Cần xây dựng môi trường làm việc mà ở đó mọi cá nhân đều phát huy hết khả năng, phấn đấu và chiến đấu hết mình vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp với cả môi trường bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp: Văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp với những điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệpdựa trên điểm mạnh của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng phải phù hợp với môi trường kinh doanh, đặc điểm văn hóa vùng miền.

Quy trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Hai tác giả Julie Heifetz & Richard Hagberg đã đề xuất một mô hình 11 bước cụ thể như sau:

1. Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược doanh nghiệp trong tương lai

Xem xét có yếu tố nào làm thay đổi chiến lược doanh nghiệp trong tương lai.

2. Xác định đâu là giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công

Đây là bước cơ bản nhất để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Các giá trị cốt lõi phải là các giá trị không phai nhòa theo thời gian, là trái tim, linh hồn của doanh nghiệp.

3. Xây dựng tầm nhìn mà doanh nghiệp sẽ vươn tới

Tầm nhìn chính là bức tranh lý tưởng về doanh nghiệp trong tương lai, là định hướng để xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Xây dựng các kế hoạch, hành động theo các nội dung định hướng bạn đặt ra sẽ giúp doanh nghiệp có được những thành công nối tiếp thành công.

4. Đánh giá văn hóa hiện tại và xác định những yếu tố văn hoá nào cần thay đổi

Sự thay đổi hay xây dựng văn hoá doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc đánh giá xem văn hoá hiện tại như thế nào và kết hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Đánh giá văn hoá là một việc cực kỳ khó khăn vì văn hoá thường khó thấy và dễ nhầm lẫn về tiêu chí đánh giá. Những ngầm định không nói ra hay không viết ra thì càng khó đánh giá. Thường thì con người hoà mình trong văn hoá và không thấy được sự tồn tại khách quan của nó.

5. Thu hẹp khoảng cách giữa nhưng gì chúng ta hiện có và những gì chúng ta đang có:

Khi chúng ta đã xác định được một văn hoá lý tưởng cho doanh nghiệp mình và cũng đã có sự thấu hiểu về văn hoá đang tồn tại trong doanh nghiệp mình. Lúc này sự tập trung tiếp theo vào việc làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị chúng ta hiện có và những giá trị chúng ta mong muốn? Các khoảng cách này nên đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử.

6. Xác định vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi văn hóa:

Lãnh đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho việc xây dựng văn hoá. Lãnh đạo là người đề xướng và hướng dẫn các nỗ lực thay đổi. Lãnh đạo chịu trách nhiệm xây dựng tầm nhìn, truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng. Lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối lo sợ và thiếu an toàn của nhân viên.

7. Lên kế hoạch hành động

Khi khoảng cách đã được xác định thì việc tiếp theo là soạn thảo một kế hoạch hành động bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể. Cái gì là ưu tiên? Đâu là chỗ chúng ta cần tập trung nỗ lực? Cần những nguồn lực gì? Ai chịu trách nhiệm về những công việc cụ thể? Thời hạn hoàn thành?

Doanh nghiệp cần xác định rõ và hành động theo kế hoạch, mục tiêu đề ra

8. Tạo động lực cho sự thay đổi

Phổ biến nhu cầu thay đổi, kế hoạch hành động và động viên tinh thần, tạo động lực cho sự thay đổi. Sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân viên. Họ cần được biết sự thay đổi đó đem lại điều tốt đẹp cho họ. Sự động viên, khuyến khích sẽ dễ dàng hơn khi mọi người được biết vai trò của mình là đóng góp và xây dựng tương lai doanh nghiệp.

9. Khuyến khích động viên nhân viên trước những lợi ích của sự thay đổi

Nhận biết các trở ngại và nguyên nhân từ chối thay đổi và xây dựng các chiến lược để đối phó. Lôi kéo mọi người ra khỏi vùng thoải mái của mình là một công việc rất khó. Vì vậy người lãnh đạo phải khuyến khích, động viên và chỉ cho nhân viên thấy lợi ích của họ tăng lên trong quá trình thay đổi.

10. Thiết lập hệ thống khen thưởng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp

Các hành vi, quyết định của lãnh đạo phải thể hiện là mẫu hình cho nhân viên noi theo và phù hợp với mô hình văn hoá đã xây dựng. Trong giai đoạn các hành vi theo mẫu hình lý tưởng cần được khuyến khích, động viên. Đây là bằng chứng sinh động cụ thể hóa những giá trị của công ty.Hệ thống khen thưởng phải được thiết kế phù hợp với mô hình xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

11. Đánh giá duy trì giá trị cốt lõi

Tiếp tục đánh giá văn hóa doanh nghiệp và thiết lập các chuẩn mực mới về không ngừng học tập và thay đổi. Văn hoá không phải là bất biến vì vậy khi ta đã xây dựng được một văn hoá phù hợp thì việc quan trọng là liên tục đánh giá và duy trì các giá trị tốt. Truyền bá những giá trị đó cho nhân viên mới.

Kết luận: Để xây dựng được văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là sự nỗ lực của nhà quản trị mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên, sự khởi xướng, cổ vũ, động viên của lãnh đạo. Với cách hiểu, nhận thức đúng đắn về văn hóa doanh nghiệp và với mười một bước cơ bản này sẽ giúp các doanh nghiệp từng bước xây dựng thành công văn hoá cho mình./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.